Tìm hiểu 50 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (1975 - 2025)

 

Hoàn cảnh ra đời của Trung ương Cục miền Nam. Vai trò  của Trung ương cục miền Nam với thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

       

          Trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước (1945 - 1975), miền Đông Nam Bộ nói chung và Tây Ninh nói riêng là địa bàn chiến lược rất quan trọng. Với địa hình núi rừng trải rộng nối liền Tây Nguyên, cực Nam Trung Bộ tiếp giáp với đồng bằng Tây Nam Bộ, đặc biệt là nhân dân các dân tộc có truyền thống yêu nước, tinh thần đoàn kết, ý chí đấu tranh kiên cường, bất khuất. Đó là điều kiện để thuận lợi để Đảng ta chỉ đạo hình thành nhiều căn cứ kháng chiến, xây dựng hệ thống căn cứ địa liên hoàn, tạo thế đứng vững chắc cho lực lượng kháng chiến đến thắng lợi hoàn to àn. Sau Cách mạng tháng Tám, Xứ ủy Nam Bộ là cơ quan lãnh đạo kháng chiến chống thực dân Pháp ở miền Nam. Đến tháng 3/1951, Hội nghị Trung ương lần thứ nhất (khóa II) đã quyết định thành lập Trung ương Cục miền Nam.

          Tháng 10/1954, Bộ Chính trị quyết định giải thể Trung ương Cục miền Nam, lập lại Xứ ủy Nam Bộ và các Khu ủy, tại Chắc Băng, huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Bạc Liêu. Suốt từ năm 1954 đến năm 1961, vượt qua muôn vàn khó khăn thử thách và tổn thất nặng nề, nhưng dưới sự lãnh đạo của Xứ ủy Nam Bộ, phong trào cách mạng ở Nam Bộ vẫn phát triển mạnh mẽ và giành được nhiều thắng lợi.

          Đến Đại hội Đảng Lao động Việt Nam lần thứ III (9/1960) đã chủ trương “cử ra một số ủy viên Trung ương thành lập Trung ương Cục miền Nam phụ trách chỉ đạo công tác đảng ở những đảng bộ đặc biệt trọng yếu”.

          Thực hiện chủ trương trên, ngày 23/01/1961, Hội nghị lần thứ III, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa III) quyết định thành lập Trung ương Cục miền Nam. Lễ ra mắt được tổ chức trang trọng tại Suối Nhung - Mã Đà - Chiến khu Đ.

          * Nhiệm vụ và tổ chức Trung ương Cục miền Nam, Bộ Chính trị quy định:

          “Theo quy định của Trung ương Đảng, Trung ương Cục miền Nam là một bộ phận của Ban Chấp hành Trung ương Đảng được Ban Chấp hành Trung ương cử ra và ủy nhiệm chỉ đạo toàn bộ công tác đảng ở miền Nam, Trung ương Cục đặt dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng do Bộ Chính trị trực tiếp chỉ đạo. Trung ương Cục có một Bí thư, một hoặc hai Phó Bí thư do Ban Chấp hành Trung ương chỉ định và Ban Thường vụ do Hội nghị Trung ương Cục bầu cử. Ngoài ra, tùy theo tình hình và yêu cầu công tác sẽ tổ chức cơ quan giúp việc”.

          - Về nhiệm vụ: “Căn cứ vào Nghị quyết của Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng và những chỉ thị, nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị về cách mạng miền Nam mà đề ra chủ trương, chính sách, phương châm, kế hoạch công tác và chỉ đạo thực hiện cụ thể ở miền Nam. Đối với nhiệm vụ chiến lược chung toàn miền phải xin chỉ thị Trung ương và Bộ Chính trị…… Ngoài ra, Trung ương Cục còn thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng quản lý và phân phối cán bộ Đảng ở miền Nam, thành lập các Đảng, Đoàn trong tổ chức quần chúng, quản lý và phân phối tài chính Đảng ở miền Nam.”

          Trung ương Cục miền Nam là cơ quan đầu não lãnh đạo trực tiếp cách mạng miền Nam từ những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước cho đến thắng lợi hoàn toàn, thống nhất đất nước, Rùm Đuôn là căn cứ sau cùng của Trung ương Cục miền Nam mà Ban lãnh đạo Trung ương Cục chọn làm nơi ở, làm việc cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng (30/4/1975).

          Trong 15 năm (1961 - 1975), Trung ương Cục miền Nam đã tiến hành 15 lần Đại hội toàn thể và ban hành hàng trăm chỉ thị, nghị quyết…chỉ đạo cách mạng miền Nam. Căn cứ Trung ương Cục trở thành trung tâm đầu não chỉ đạo chiến tranh nhân dân ở miền Nam không ngừng phát triển. Nhiều chủ trương, quyết sách của Đảng và Bác Hồ đã được triển khai cụ thể hóa từ trung tâm này để lan rộng ra toàn chiến trường miền Nam. Đồng chí Lê Duẩn - Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng thời kỳ này đã có trên 30 bức thư và điện gửi cho các đồng chí lãnh đạo Trung ương Cục miền Nam. Dưới sự chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Trung ương Cục miền Nam đã lãnh đạo thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Thực tiễn sinh động hào hùng nhưng hết sức khó khăn, gian khổ của cuộc kháng chiến đã chứng minh quyết định xây dựng căn cứ Trung ương Cục miền Nam tại Chiến khu Bắc Tây Ninh là một chủ trương đúng đắn, sáng tạo của Đảng ta.

          Hoạt động lãnh đạo của Trung ương Cục đã để lại nhiều bài học quý báu, đó là bài học về xây dựng căn cứ địa, xây dựng phong trào cách mạng gắn bó máu thịt với nhân dân, dân bám đất, Đảng bám dân, du kích, bộ đội bám thắt lưng địch mà đánh; bài học chủ động tiến công địch về mọi mặt, đánh lùi từng bước, đánh đổ từng bộ phận, tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn; bài học xây dựng Đảng chặt chẽ, vững vàng về chính trị, giỏi về công tác quần chúng là điều kiện tiên quyết dẫn đến thắng lợi của cách mạng nước ta trước kia cũng như công cuộc đổi mới hiện nay.

Chi bộ Trường Trung cấp Bách Nghệ Thành phố Hồ Chí Minh về nguồn tại Trung Ương Cục Miền Nam

 

Hoàn cảnh và ý nghĩa lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Không có gì quý hơn độc lập tự do” đối với việc xác định đường lối lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước

 

          Năm 1966, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta bước vào giai đoạn khốc liệt nhất, đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh bằng không quân và hải quân đánh phá hòng đưa miền Bắc quay trở lại thời kỳ đồ đá. Mỹ đã sử dụng 15 triệu tấn bom đạn các loại ném xuống Việt Nam, rải hàng chục triệu lít chất độc da cam/dioxin xuống miền Nam. Ở miền Bắc, bình quân mỗi người phải chịu 45,5kg bom đạn, tính ra 1km2 chịu 6 tấn bom đạn...

          Ngày 17/7/1966, Đài Tiếng nói Việt Nam, Báo Nhân dân (số 4484) truyền đi Lời kêu gọi chống Mỹ, cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi đến đồng bào, chiến sĩ cả nước; trong lời kêu gọi lịch sử ấy, có lời khẳng định đanh thép và đã trở thành chân lý của mọi thời đại: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”.

          Lời kêu gọi của Bác đã vạch trần âm mưu thâm độc và dã man của đế quốc Mỹ. Khẳng định quyết tâm chiến đấu của nhân dân ta cả ở miền Bắc cũng như ở miền Nam. Chỉ rõ cho toàn thế giới thấy rằng: nhân dân Việt Nam rất yêu chuộng hoà bình, luôn luôn mong muốn, khát vọng được sống trong hòa bình, độc lập, tự do. Lời kêu gọi đầy sức thuyết phục của Bác đã chứng minh rằng kẻ thù dù có hung bạo đến đâu, dù có lắm súng nhiều tiền đến đâu thì cũng không thể thắng được ý chí “không có gì quý hơn độc lập, tự do” của Nhân dân Việt Nam

          Lời kêu gọi có ý nghĩa như một lời hiệu triệu, một cuộc vận động lớn để toàn Đảng, toàn quân, toàn dân tộc thống nhất ý chí, niềm tin để đi vào giai đoạn quyết liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Lời của Bác là lời hiệu triệu thiêng liêng, quy tụ, đoàn kết, thôi thúc hàng triệu con tim, khối óc của đồng bào, chiến sĩ đồng lòng, quyết tâm đánh bại đế quốc Mỹ xâm lược, Người khẳng định: Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập, tự do. Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn.

           “Không có gì quý hơn độc lập tự do” là chân lý bất hủ, thể hiện sâu sắc tinh thần Việt Nam, văn hoá Việt Nam và ý chí kiên cường, bất khuất của dân tộc Việt Nam đã được hun đúc qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước. Đó cũng là mục tiêu đấu tranh, là nguồn sức mạnh làm nên chiến thắng của nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh vĩ đại vì độc lập, tự do của dân tộc, hạnh phúc của nhân dân. Đồng thời, đó cũng là nguồn cổ vũ, động viên to lớn đối với nhân loại tiến bộ, đặc biệt đối với các dân tộc bị áp bức trên thế giới trong cuộc đấu tranh vì hòa bình, tự do, hạnh phúc.

 

Hoàn cảnh ra đời của câu nói “miền Nam yêu quý luôn ở trong trái tim tôi” của Chủ tịch Hồ Chí Minh và vai trò của hậu phương lớn miền Bắc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta.

           Trong suốt những năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954 - 1969), Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn theo sát từng bước đi của cách mạng miền Nam.

           Tháng 10/1962, nhân cuộc gặp Đoàn đại biểu Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ra thăm miền Bắc, Người ôm hôn đồng chí Nguyễn Văn Hiếu trong nỗi xúc động nghẹn ngào. Đồng chí Nguyễn Văn Hiếu thay mặt các đại biểu báo cáo tình hình cách mạng miền Nam, gửi đến Người món quà của đồng bào miền Nam, gồm: Bản cương lĩnh của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, tập thơ của một chiến sĩ đã hy sinh trong nhà tù Mỹ - Diệm, tập ảnh về phong trào đấu tranh của đồng bào miền Nam và một lọ hoa làm bằng vỏ đạn đại bác. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận quà và nói: Người không có gì tặng cho đồng bào miền Nam rồi đưa tay mình lên ngực, giọng xúc động: “Hình ảnh miền Nam yêu quý luôn ở trong trái tim tôi!”.

Bác ôm hôn Đồng chí Nguyễn Văn Hiếu – Thư ký ban Trung ương mặt trận Dân tộc giải phòng miền Nam ra thăm miền Bắc (20/10/1962)

           Tổng kết thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đảng ta khẳng định: “Không thể nào có thắng lợi của sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước nếu không có miền Bắc xã hội chủ nghĩa”.  “Tất cả vì tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” là tinh thần, ý chí, quyết tâm và tình cảm của quân và dân miền Bắc đối với miền Nam ruột thịt trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. “Đó là tính ưu việt của hậu phương xã hội chủ nghĩa trong chiến tranh. Một hậu phương không hề bị rối loạn, hoang mang và nao núng trước sự đánh phá ác liệt của kẻ thù, một hậu phương mà ở đó mọi người thương yêu đùm bọc nhau trong gian khổ hoạn nạn và thử thách, là niềm tin, niềm thôi thúc cán bộ, chiến sĩ và đồng bào miền Nam đang ngày đêm chiến đấu”. Không chỉ chi viện sức người và sức của, miền Bắc còn là hậu phương lớn, là chỗ dựa vững chắc về tinh thần cho những người ra trận, cho đồng bào, cán bộ, chiến sĩ đang ngày đêm chiến đấu ở miền Nam.

           Thực hiện lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Miền Bắc là nền tảng, là gốc rễ của lực lượng đấu tranh của nhân dân ta. Nền có vững, nhà mới chắc. Gốc có mạnh, cây mới tốt. Làm cho miền Bắc vững mạnh và tiến bộ tức là thiết thực chiếu cố miền Nam”. Cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc không chỉ xây dựng đời sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân mà còn xây dựng, củng cố căn cứ địa, hậu phương chung của cả nước, chi viện cho tiền tuyến, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

 

Những thắng lợi tiêu biểu của quân và dân ta góp phần đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược thực dân kiểu mới của đế quốc Mỹ và tay sai (1954 - 1975).

           Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, quân và dân ta đã giành được nhiều thắng lợi to lớn, lần lượt đánh bại các chiến lược chiến tranh thâm độc của kẻ thù, làm cho “Mỹ cút, ngụy nhào”, để giành độc lập, thống nhất đất nước, trong đó có những thắng lợi tiêu biểu sau:

           - Tháng 1 năm 1959: Hội nghị lần thứ 15 (khóa II) của Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam quyết định phương hướng, nhiệm vụ của cách mạng miền Nam: “Khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân” bằng “lực lượng chính trị quần chúng kết hợp với lực lượng vũ trang”.

           - Ngày 17/1/1960 nhân dân Bến Tre đứng lên đồng khởi. Từ đó phong trào đồng khởi lan rộng khắp các tỉnh miền Nam mở ra thế tiến công mạnh mẽ của cách mạng. Đánh dấu cách mạng miền Nam từ giữ gìn lực lượng sang thế tiến công.

           - Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, quân và dân ta đã lần lượt đánh bại các chiến lược chiến tranh xâm lược thực dân kiểu mới của Mỹ và tay sai.

           + Trong chiến lược Chiến tranh đặc biệt (1961 - 1965), Mỹ đề ra “Kế hoạch Xtalây - Taylo” để tiến hành “chiến tranh đặc biệt” hòng “bình định” miền Nam Việt Nam trong 18 tháng, lập Bộ Chỉ huy quân sự ở Sài Gòn. Ngày 02/1/1963: Tại Ấp Bắc, Quân giải phóng miền Nam Việt Nam đánh thắng quân đội Sài Gòn có cố vấn Mỹ chỉ huy, mở đầu cao trào diệt ngụy. Sau những thắng lợi ở An Lão, Ba Gia, Đồng Xoài, quân và dân ta đã đánh bại chiến lược chiến tranh đặc biệt của Mĩ, Nguỵ.

 

Kế hoạch staley Taylor là tên một kế hoạch thực thi chiến lược "chiến tranh đặc biệt" của Hoa Kỳ trong Chiến tranh Việt Nam.

           + Từ 1965- 1968, quân và dân ta đánh bại chiến lược Chiến tranh cục bộ và âm mưu phá hoại miền Bắc lần thứ nhất. Ngày 18/8/1965: Tại Vạn Tường (Quảng Ngãi) Quân giải phóng đánh thắng lớn quân Mỹ, mở đầu cao trào diệt Mỹ. Tháng 10/1966 đến tháng 4/1967: Quân giải phóng phá tan 3 cuộc hành quân lớn của Mỹ ở Tây Ninh (Attơnborô, Xêđaphôn, Gianxơn Xiti).  Ngày 30 và 31/1/1968: Cuộc tổng tiến công Tết Mậu Thân của quân và dân miền Nam Việt Nam diễn ra ở 64 thành phố, thị xã, thị trấn, trong đó có Sài Gòn, Huế, Đà Nẵng. Tháng 5/1968: Mỹ phải chấp nhận đàm phán với đại diện, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Paris (Pháp).  Ngày 01/11/1968: Mỹ phải đình chỉ ném bom ở miền Bắc Việt Nam. Tháng 1/1969: Mỹ buộc phải chấp nhận Hội nghị bốn bên ở Paris.

           + Từ 1969 - 1973: Quân và dân ta đánh bại chiến lược Việt Nam hoá chiến tranh của Mĩ và tay sai, đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc lần thứ hai. Tháng 2/1971: Quân và dân Việt Nam cùng với quân và dân Lào đánh bại hoàn toàn cuộc hành quân “Lam Sơn 719” ở Đường 9 - Nam Lào của quân ngụy Sài Gòn.  Ngày 30/3/1972: Mở đầu cuộc tiến công chiến lược của quân và dân Việt Nam, đập tan ba tuyến phòng thủ của địch ở Quảng Trị, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ. Tháng 12/1972: Trong trận “Điện Biên Phủ trên không”, quân và dân ta đã đánh bại cuộc tập kích chiến lược bằng máy bay B52 của Mỹ vào Hà Nội... Ngày 27/1/1973: Hiệp định Paris về Việt Nam được ký kết. Mỹ cam kết chấm dứt chiến tranh xâm lược Việt Nam, tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, rút hết quân Mỹ và quân các nước chư hầu ra khỏi miền Nam Việt Nam, không dính líu quân sự và can thiệp vào công việc nội bộ của miền Nam Việt Nam. Những tên lính Mỹ cuối cùng đã rút khỏi miền Nam Việt Nam.

Hội nghị 4 bên tại Paris 27/01/1973.

           - Nhiệm vụ giải phóng hoàn toàn miền Nam được tiến hành thông qua ba chiến dịch: Chiến dịch Tây Nguyên; Chiến dịch Huế - Đà Nẵng; Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Từ ngày 18/12/1974 đến ngày 08/1/1975: Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam họp quyết định giải phóng miền Nam Việt Nam trong hai năm 1975 - 1976. Ngày 06/1/1975: Giải phóng thị xã Phước Long. Ngày 10/3/1975: Giải phóng thị xã Buôn Ma Thuột, mở đầu cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 nhằm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Ngày 24/3/1975: Tây Nguyên được giải phóng.  Ngày 25/3/1975: Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam hạ quyết tâm chiến lược giải phóng Sài Gòn và miền Nam trước mùa mưa. Ngày 26 /3/1975: Giải phóng Huế.  Ngày 29/3/1975: Giải phóng Đà Nẵng. Ngày 14/4/1975: Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đặt tên “Chiến dịch Hồ Chí Minh” cho trận quyết chiến chiến lược cuối cùng. Ngày 26/4/1975: Chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu 11h30 ngày 30/4/1975: Giải phóng hoàn toàn Sài Gòn. Quân ta giải phóng đảo, quần đảo…kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước thần thánh của dân tộc.

 

Ý nghĩa của Hiệp định Paris đối với  thắng lợi của sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

           Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam chính thức được ký kết ngày 27/1/1973 tại Paris (Pháp) mở ra bước ngoặt mới trong lịch sử cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam; tạo thời cơ mới cho cách mạng Việt Nam tiếp tục tiến lên giành những thắng lợi mới, mà đỉnh cao là Đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

           * Đối với Việt Nam:

           - Hiệp định Paris là thắng lợi tổng hợp của cuộc đấu tranh trên các mặt trận quân sự, chính trị và ngoại giao; là đỉnh cao thắng lợi của mặt trận ngoại giao nước ta thời kỳ chống Mỹ, cứu nước, là mốc son trong trang sử vàng của nền ngoại giao cách mạng Việt Nam; đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của nền ngoại giao cách mạng thời đại Hồ Chí Minh.

           - Hiệp định Paris là bước ngoặt lịch sử, khẳng định bản lĩnh, trí tuệ và sự lãnh đạo đúng đắn sáng suốt của Đảng, phát huy cao độ thắng lợi trên các mặt trận ngoại giao, chính trị, quân sự, kết hợp thành công sức mạnh của dân tộc với sức mạnh thời đại, tạo ra thế và lực mới cho cuộc chiến đấu của dân tộc ta, tạo thế xoay chuyển có lợi cho cách mạng, đi đến Đại thắng mùa xuân 1975.

           - Hiệp định Paris là văn bản pháp lý quốc tế đầu tiên, toàn diện nhất, đầy đủ nhất ghi nhận các quyền cơ bản của Nhân dân Việt Nam; là sự công nhận chính thức của quốc tế đối với nền độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.

           * Đối với thế giới:

           - Thắng lợi của Hiệp định Paris và việc Mỹ rút khỏi Việt Nam đã góp phần to lớn vào sự nghiệp giải phóng của Nhân dân Lào và Campuchia; góp phần mở ra một giai đoạn mới ở khu vực Đông Nam Á - giai đoạn hòa bình, ổn định, khép lại quá khứ, hướng đến xây dựng cộng đồng ASEAN.

           - Hiệp định Paris là sự minh chứng hùng hồn cho chân lý “đại nghĩa thắng hung tàn, chí nhân thay cường bạo”, củng cố niềm tin của Nhân dân yêu chuộng hòa bình và các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới vào sự nghiệp đấu tranh chính nghĩa của mình. Hiệp định Paris đã đi vào lịch sử của cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì độc lập, tự do; vì hòa bình, công lý.

Bà Nguyễn Thị Bình, Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam ký Hiệp định tại Hội nghị 4 bên ở Paris 27/01/1973.

 

Số lượng Quân đoàn (tương đương Quân đoàn) tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh. Tên những Quân đoàn tham gia. Chiến công nổi bật của từng quân đoàn.

           Trong 2 năm 1973, 1974, để đáp ứng yêu cầu của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đảng ta và Quân ủy Trung ương đã chỉ đạo thành lập các binh đoàn chủ lực mạnh nhằm thực hiện các đòn tiến công chiến lược, giành thắng lợi quyết định. Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, các quân đoàn chủ lực đã lập nên những chiến công oanh liệt, góp phần quyết định giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

           Ngày 14/4/1975, thể theo nguyện vọng của đồng bào, chiến sĩ cả nước, Bộ Chính trị đồng ý Chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định lấy tên là “Chiến dịch Hồ Chí Minh”. Toàn bộ lực lượng tham gia bao gồm bốn quân đoàn (1, 2, 3, 4) và Đoàn 232 (tương đương quân đoàn) cùng các lực lượng vũ trang, nhân dân địa phương.

           Sau khi Nguyễn Văn Thiệu, Cao Văn Viên và nhiều quan chức cao cấp của chính quyền Sài Gòn chạy ra nước ngoài, một số tướng lĩnh chóp bu của quân đội Sài Gòn xúc tiến chiếm ghế tổng thống nhưng toan tính ấy không nhận được sự ủng hộ của Mỹ và Pháp...  Vào lúc này, ta hình thành thế bao vây Sài Gòn từ 5 hướng: Hướng Tây Bắc - Quân đoàn 3; hướng Bắc - Quân đoàn 1; hướng Đông Nam - Quân đoàn 2; hướng Đông - Quân đoàn 4; hướng Tây và Tây Nam - Đoàn 232 và Sư đoàn 8 (Quân khu 8). Các cánh quân của ta đã tập kết tại các bàn đạp tiến công.

 

           Ở hướng Đông và Đông Nam, 18 giờ ngày 26/4/1975, sau màn hỏa lực bắn phá dồn dập của hàng chục trận địa pháo binh dội xuống mục tiêu địch ở Trảng Bom, Hố Nai, Biên Hòa, Nước Trong, Long Thành, Đức Thạnh, Bà Rịa, các sư đoàn bộ binh của Quân đoàn 4 và Quân đoàn 2 bắt đầu mở cuộc tiến công.

           Trên khu vực Quân đoàn 4 (hướng Đông), Sư đoàn Bộ binh 341 được tăng cường 1 tiểu đoàn xe tăng, 1 tiểu đoàn pháo cao xạ hỗn hợp và hỏa lực chiến thuật cấp trung đoàn, tiểu đoàn, do Đại tá Trần Văn Trân làm Sư đoàn trưởng, Đại tá Nguyễn Đô làm Chính ủy trực tiếp chỉ huy, nổ súng đánh chiếm yếu khu Trảng Bom - mắt xích trọng yếu trên tuyến phòng ngự phía trước của đối phương. Nhiều trận chiến đấu dữ dội kéo dài hàng giờ giữa xe tăng, xe thiết giáp của ta và xe tăng, xe thiết giáp của đối phương diễn ra khốc liệt.

           Phối hợp chặt chẽ với Quân đoàn 4, trên hướng Đông Nam, chiều ngày 26/4/1975, Quân đoàn 2 cho Sư đoàn Bộ binh 3, 1 đại đội xe tăng T54 do Sư đoàn trưởng Lâm Bá Khuê chỉ huy, đánh chiếm Chi khu Đức Thạnh. Sau 2 giờ chiến đấu trong thế áp đảo, bộ đội ta đã làm chủ các khu vực Bình Giã, Ngãi Giao, Núi Đất, hỗ trợ du kích và nhân dân địa phương nổi dậy giải phóng Xuyên Mộc, Long Lễ; sau đó sư đoàn chuyển sang truy kích địch rút chạy. 21 giờ cùng ngày, Trung đoàn Bộ binh 141 và Đại đội xe tăng 4 được pháo binh Quân đoàn chi viện hỏa lực, tiến công thị xã Vũng Tàu. Trước sức mạnh vượt trội của lực lượng tiến công, quân địch phản ứng yếu ớt rồi bỏ chạy.

           Trên hướng tiến công chủ yếu Tây Bắc, Quân đoàn 3 có nhiệm vụ chủ yếu là: “Tổ chức lực lượng đột kích liên tục, đánh ngã địch, chiếm các mục tiêu then chốt trong thành phố. Mục tiêu chiến đấu của Quân đoàn 3 là sân bay Tân Sơn Nhất và bộ tổng tham mưu quân đội Sài Gòn. Để tạo điều kiện thuận lợi cho Sư đoàn 10 thọc sâu đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất và bộ tổng tham mưu quân lực Việt Nam Cộng hòa, Sư đoàn Bộ binh 316, Sư đoàn Bộ binh 320A và Trung đoàn Đặc công 198 phải đánh chiếm hoặc không chế bằng được nhiều mục tiêu quan trọng, đặc biệt là 4 mục tiêu ở Trảng Bàng, Đồng Dù, cầu Bông, cầu Sáng trên Đường số 1 và Đường 15.

           Được pháo binh chi viện đắc lực, chiều ngày 26/4/1975, Sư đoàn Bộ binh 316 do Đại tá, Sư đoàn trưởng Đàm Văn Ngụy chỉ huy đã mở cuộc tiến công quét sạch một loạt đồn bốt địch dọc Quốc lộ 1, từ Phước Mỹ đến gần Trảng Bàng, từ Bàu Nâu đến Trà Võ trên Đường 22, làm chủ Suối Ao, Trung Hàng, khống chế các trung đoàn thuộc sư đoàn bộ binh 25 địch ở Gò Dầu, Trảng Bàng, không cho địch rút chạy về Đồng Dù, Củ Chi. Ngày 26/4, Bộ tư lệnh Đoàn 232 sử dụng Sư đoàn Bộ binh 5, Sư đoàn Bộ binh 8 (Quân khu 8) được tăng cường Tiểu đoàn Công binh 341 và lực lượng vũ trang địa phương, tiến công một loạt vị trí do sư đoàn 22 địch chốt giữ dọc hai con sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây tỉnh Long An. Sư đoàn 5 do Sư đoàn trưởng Nam Thược chỉ huy, tập trung toàn bộ lực lượng đánh chiếm huyện lỵ Thủ Thừa và thị xã Tân An. Sư đoàn 8 táo bạo luồn sâu, được lực lượng vũ trang địa phương hỗ trợ, bất ngờ tiến công giải phóng thành phố Mỹ Tho. Việc Sư đoàn 5 và Sư đoàn 8 (Quân khu 8) làm chủ được các mục tiêu trọng yếu trên đây do sư đoàn 22 địch chốt giữ đã cắt đứt hoàn toàn đường quốc lộ số 4, cô lập Sài Gòn với đồng bằng sông Cửu Long.

 

Hoàn cảnh ra đời của mệnh lệnh lịch sử của Đại tướng Võ Nguyên Giáp “Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa” Giá trị lịch sử của phương châm đó với Đại thắng mùa Xuân năm 1975..

           Trong cuốn sách Tổng hành dinh trong mùa Xuân toàn thắng (Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2004), Đại tướng Võ Nguyên Giáp hồi tưởng: “Cuộc tiến công lịch sử của Quang Trung Nguyễn Huệ lại hiện về trong ký ức. Ngày 4/4, tôi gửi điện cho cán bộ, chiến sĩ Quân đoàn 2 đang hành quân: Các đồng chí lên đường làm nhiệm vụ rất vẻ vang. Cần hành động thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng… Ngày 7/4, tôi ra lệnh cho các đơn vị đang đổ vào chiến trường: “Mệnh lệnh: 1. Thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo hơn nữa. Tranh thủ từng giờ, từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng. 2. Truyền đạt tức khắc đến đảng viên, chiến sĩ”.

Điện mật của Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp gửi các đơn vị tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, ngày 7/4/1975.

           Bức điện khẩn “Thần tốc, thần tốc hơn nữa...” do tự tay Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, ký tên được Ban Cơ yếu lập tức truyền đi khắp các mặt trận trên toàn miền Nam như một lời “hịch tướng sĩ”. Mệnh lệnh đã truyền đạt quyết tâm cao nhất của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương tới các cấp lãnh đạo và chỉ huy chiến trường, tới mỗi đảng viên, chiến sĩ để chủ động sáng tạo, thừa thắng, xốc tới, hướng mọi hành động theo phương châm thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng. Và cả dân tộc đã ra quân với khí thế ấy. Tất cả đều thấm nhuần: lúc này, lỡ thời cơ là có tội. Nghiêm chỉnh thi hành mệnh lệnh, quân và dân ta trên khắp các chiến trường miền Nam nêu cao quyết tâm, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ và hy sinh, gấp rút đẩy mạnh tốc độ hành quân, mở đường mà đi, đánh địch mà tiến; tạo thế, tạo lực, tạo đà cho trận quyết chiến chiến lược cuối cùng tại Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

           Mệnh lệnh ấy thực sự là nguồn động lực tăng thêm ý chí quyết chiến, quyết thắng, chỉ có tiến công và xốc tới của quân và dân ta trong thời điểm lịch sử 40 năm trước. Mệnh lệnh ấy đã đáp ứng nguyện vọng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân động viên và tổ chức sức mạnh của cả nước trong cuộc đọ sức cuối cùng hướng vào mục đích giải phóng Sài Gòn, giải phóng miền Nam.

 

Những hiểu biết về chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử và nghệ thuật quân sự của cha ông ta được kết tinh trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ và xây dựng đất nước.

           Thực hiện quyết tâm của Bộ Chính trị, tháng 3/1975, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy của quân và dân ta bắt đầu diễn ra và giành thắng lợi liên tiếp. Trước diễn biến “một ngày bằng hai mươi năm”, ngày 14/4/1975, Bộ Chính trị quyết định Chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định mang tên Chiến dịch Hồ Chí Minh. Quyết định này một lần nữa thể hiện tầm nhìn chiến lược của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh trong lãnh đạo, chỉ đạo và nghệ thuật điều hành kết thúc cuộc chiến tranh cách mạng.

                Từ cuối năm 1973, cùng với quá trình gấp rút xây dựng lực lượng trên chiến trường, công tác chi viện của hậu phương miền Bắc được đẩy mạnh, kịp thời đáp ứng yêu cầu về nhân lực, vật lực cho trận quyết chiến chiến lược cuối cùng.

          Ngày 26/4/1975, sau một thời gian cơ động thần tốc, vừa hành quân vừa tiến công địch giải phóng địa bàn, vừa bổ sung lực lượng, trang bị, 5 binh đoàn chủ lực của Quân giải phóng chia thành 5 mũi cùng lúc tiến công vào trung tâm thành phố Sài Gòn - Gia Định. Trưa ngày 30/4/1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh kết thúc thắng lợi, thành phố Sài Gòn - Gia Định hoàn toàn giải phóng, ngụy quyền Sài Gòn chính thức sụp đổ.

           Nghệ thuật quân sự trong Chiến dịch Hồ Chí Minh là sự kế thừa và phát triển sáng tạo nghệ thuật quân sự đặc sắc của dân tộc và kinh nghiệm của Đảng ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.

           Những kinh nghiệm trong Chiến dịch Hồ Chí Minh góp phần làm phong phú thêm nền khoa học nghệ thuật quân sự Việt Nam, nhất là nghệ thuật chiến dịch của chiến tranh nhân dân Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh. Đó là nghệ thuật sử dụng lực lượng, nghệ thuật điều hành chiến dịch, nghệ thuật chọn hướng tiến công, nghệ thuật nắm bắt thời cơ, nghệ thuật kết thúc chiến tranh,... Nắm bắt đúng thời cơ chiến lược, hạ quyết tâm mở chiến dịch chính xác, kịp thời là nét nổi bật và thành công xuất sắc của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương và Bộ Tổng Tư lệnh trong Chiến dịch Hồ Chí Minh.

           Từ quyết tâm chiến lược cơ bản giải phóng miền Nam trong hai năm 1975 - 1976, sau thắng lợi vang dội ở Tây Nguyên, Trị Thiên - Huế và Đà Nẵng, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương đã kịp thời nhận định và bổ sung quyết tâm mới, nắm bắt đúng thời cơ chiến lược, chỉ đạo tổ chức tiêu diệt ngụy quân Sài Gòn ở quân khu 1 và bộ phận còn lại ở quân khu 2, không cho chúng co cụm về Sài Gòn - Gia Định; đồng thời, chỉ đạo tập trung lực lượng, vật chất kỹ thuật, quyết tâm thực hiện thắng lợi trận quyết chiến chiến lược cuối cùng giải phóng Sài Gòn - Gia Định, kết thúc chiến tranh ngay trong năm 1975, rồi trước mùa mưa và cuối cùng là ngay trong tháng 4/1975.

          Chiến dịch Hồ Chí Minh đã mở đầu đúng thời gian quy định và nhanh chóng kết thúc thắng lợi, đánh bại kế hoạch tác chiến của địch. Đó là đỉnh cao của nghệ thuật nắm bắt đúng thời cơ chiến lược, hạ quyết tâm chiến dịch chính xác, kịp thời.

          Cách đánh chiến dịch, chiến thuật trong Chiến dịch Hồ Chí Minh rất sáng tạo, linh hoạt, thể hiện tài thao lược của Bộ Tổng Tư lệnh, Bộ Tư lệnh Chiến dịch và của từng đơn vị. Đó là cách đánh dùng lực lượng thích hợp trên từng tình huống, hình thành bao vây, chia cắt, chặn giữ quân địch không cho chúng rút chạy về Sài Gòn, tiêu diệt và làm tan rã tại chỗ các sư đoàn chủ lực của địch ở vòng ngoài, đồng thời tập trung lực lượng nhanh chóng thọc sâu đánh chiếm các địa bàn then chốt vùng ven, mở đường cho các binh đoàn đột kích vào 5 mục tiêu trong nội đô Sài Gòn - Gia Định.

           Tiến công trong hành tiến trong Chiến dịch Hồ Chí Minh là bước phát triển đỉnh cao của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975. Từ cấp trung đoàn cơ giới tiến hành thọc sâu ở Buôn Ma Thuột, phát triển lên cấp sư đoàn binh chủng hợp thành, vận động bằng cơ giới với tốc độ tiến công cao, thọc sâu nhanh vào nội thành, đánh chiếm mục tiêu chiến lược theo kế hoạch. Tổ chức và sử dụng lực lượng cũng là một nét đặc sắc trong Chiến dịch Hồ Chí Minh.

           Để thực hành chiến dịch, các lực lượng được tổ chức thành thế trận hoàn chỉnh, chặt chẽ, chính xác, đột phá bằng sức mạnh áp đảo của binh chủng hợp thành quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa các lực lượng chiến đấu và phục vụ chiến đấu, giữa bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và quần chúng nhân dân trong tiến công và nổi dậy, tiếp quản chiến trường đã góp phần tạo ưu thế trong so sánh về lực lượng giữa ta và địch.

           Nét độc đáo trong Chiến dịch Hồ Chí Minh còn được thể hiện ở nghệ thuật kết thúc chiến tranh. Trong trận quyết chiến chiến lược lịch sử, với sức mạnh như vũ bão, quân và dân ta hoàn toàn có thể tiêu diệt toàn bộ lực lượng còn lại của quân đội Sài Gòn. Song, lực lượng cách mạng đã thực hiện chính sách khoan dung, vận động chính quyền Tổng thống Dương Văn Minh ra lệnh cho quân đội Sài Gòn hạ vũ khí và tuyên bố đầu hàng không điều kiện vào trưa ngày 30/4/1975.

Quân Giải phóng đã phát đi lời tuyên bố đầu hàng của Tổng thống Dương Văn Minh và thông báo miền Nam hoàn toàn giải phóng 30/04/1975.

           Đây là việc làm cần thiết, kịp thời, không chỉ có ý nghĩa chiến lược không những giải phóng Sài Gòn gần như nguyên vẹn mà còn trực tiếp kết thúc cuộc chiến nhanh nhất, làm thất bại mưu đồ và điều kiện của những thế lực chống đối muốn “tử thủ”, đồng thời dập tắt mọi hy vọng về “thương lượng đàm phán” vốn đã bị đế quốc Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn chà đạp, phá hoại. Điều này phản ánh một trình độ mới của nghệ thuật kết thúc chiến tranh nhân dân Việt Nam, buộc đối phương phải kết thúc chiến tranh theo cách của chiến tranh cách mạng có lợi cho phát triển về sau.

           Chiến thắng 30/4/1975 là thành quả của đường lối kháng chiến đúng đắn, sáng tạo, độc lập, tự chủ của Đảng được bổ sung, phát triển và hoàn chỉnh qua các giai đoạn của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Trong giai đoạn cuối, Đảng ta đã nhạy bén nắm bắt, đánh giá đúng tình hình, kịp thời điều chỉnh kế hoạch tổng tiến công và nổi dậy, từ kế hoạch giải phóng miền Nam trong 2 năm 1975 - 1976 chuyển thành kế hoạch giải phóng miền Nam ngay trong tháng 4/1975, kết thúc bằng Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Chiến thắng 30/4/1975 chính là sự hội tụ tầm cao trí tuệ và bản lĩnh Việt Nam trong suốt 21 năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược.

 

Một chiến công đặc biệt xuất sắc khẳng định chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc trong Đại thắng mùa Xuân 1975. Trách nhiệm của thanh niên quân đội và thế hệ trẻ trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc hiện nay.

           Bước sang năm 1974, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của quân và dân ta đã giành được nhiều thắng lợi to lớn trên các chiến trường, mặt trận.

           Cuối năm 1974, Cục Tác chiến phối hợp Cục Quân báo đánh giá tình hình ngụy quyền Sài Gòn, địch đã suy yếu rõ rệt trên mọi hướng, trong đó có cả hướng biển. Sau giải phóng Buôn Mê Thuật, ngày 24/3/1975, đồng chí Lê Hữu Đức lúc đó đang là Cục trưởng Cục Tác chiến đã báo cáo lên Bộ Tổng tham mưu chủ trương đề nghị nhanh chóng giải phóng quần đảo Trường Sa do quân Ngụy đang chiếm giữ. Bộ Tổng Tham mưu nhất trí và đề nghị lên Quân ủy Trung ương, Bộ Chính trị. Ngày 25/3/1975 Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương họp, nhận định: Địch dù quyết “tử thủ” vẫn không thể giữ nổi Đà Nẵng, thời cơ chiến lược đã tới, trong suốt 21 năm chống Mỹ, cứu nước, chưa bao giờ thuận lợi bằng lúc này. Bộ Chính trị hạ quyết tâm giải phóng miền Nam trước mùa mưa năm 1975. Cũng tại cuộc họp này, Quân ủy Trung ương đưa ra một kiến nghị đặc biệt, được Bộ Chính trị ghi bổ sung vào nghị quyết: “Vừa chuẩn bị cho trận quyết chiến chiến lược cuối cùng, vừa tiến hành giải phóng các đảo và quần đảo quân ngụy đang chiếm giữ”. 17 giờ 30 phút ngày 04/4/1975, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã ký bức “mật điện” số 990B/TK sau đó tốc chuyển đến đồng chí Võ Chí Công, Chính ủy Quân khu 5 và đồng chí Chu Huy Mân, Tư Lệnh Quân khu 5:… “Điện đặc biệt 4-4-1975 gửi Khu ủy và Bộ tư lệnh Khu V và Bộ tư lệnh Hải quân. Theo chỉ thị của Bộ Chính trị, Thường vụ Quân ủy giao nhiệm vụ cho Khu ủy, Quân khu ủy và Bộ tư lệnh Khu V, Bộ tư lệnh Hải quân khẩn trương nghiên cứu kế hoạch tác chiến và tiến hành mọi công tác chuẩn bị để khi có thời cơ kịp thời giải phóng Quần đảo Trường Sa, coi đó là một nhiệm vụ rất quan trọng”. Bộ Tư lệnh Hải quân giao cho đồng chí Hoàng Hữu Thái, Phó tư lệnh Quân chủng phụ trách. Sở chỉ huy của quân chủng đặt tại Đà Nẵng.

           Đoàn 125 cử một biên đội gồm 3 tàu: 673, 674 và 675 thực hiện nhiệm vụ chở quân đi đánh đảo và tham gia chiến đấu. Phân đội tàu do đồng chí Dương Tấn Kịch, Tham mưu trưởng và đồng chí Trần Phong, Tham mưu phó Đoàn 125 chỉ huy. Đơn vị đánh chiếm các đảo là Đội 1 (Đoàn 126) do đồng chí Đội trưởng Nguyễn Ngọc Quế chỉ huy.

           Toàn bộ lực lượng đi giải phóng Quần đảo Trường Sa do đồng chí Nguyễn Văn Ninh, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 126 chỉ huy; đồng chí Dương Tấn Kịch, Tham mưu trưởng Đoàn 125 chỉ huy phó; đồng chí Toản phụ trách công tác chính trị”.

           Lực lượng giải phóng Trường Sa được thành lập lúc này là một đội hình “4 binh chủng…hợp thành” gồm: lực lượng thuộc trung đoàn đặc công 126, lực lượng của Tiểu đoàn Đặc công nước 471 (Quân khu 5) (đặc công), lực lượng thuộc tiểu đoàn 4, Trung đoàn 38, sư đoàn 2 (bộ binh), Quân khu 5, một  bộ phận của Trung đoàn pháo binh 368 (số lượng ít), phối hợp với biên đội 3 tàu hải quân (vận tải) thành đoàn  C75.

           Khoảng 4 giờ ngày 11/4/1975, biên đội 3 tàu 673, 674, 675 (sau giải phóng Song Tử Tây bổ sung thêm tàu 641) của Đoàn 125 - Đoàn tàu Không số chở C75 bí mật rẽ sóng từ Đà Nẵng, thẳng tiến Trường Sa…

           Đại tướng Võ Nguyên Giáp gọi việc xác định chủ trương giải phóng Trường Sa là “một sự kiện đặc biệt đã diễn ra ngoài kế hoạch chiến lược ban đầu” nhưng là quyết sách đúng đắn, kịp thời, góp phần bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.

Cán bộ, chiến sỹ xuống tàu hành quân ra đảo giải phóng quần đảo Trường Sa.

           Trách nhiệm của thanh niên Quân đội và thế hệ trẻ trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc hiện nay.

           Bảo vệ chủ quyền biển đảo là nhiệm vụ thiêng liêng của toàn dân, trong đó thanh niên Quân đội và thế hệ trẻ đóng vai trò nòng cốt, thể hiện trên các phương diện sau:

          + Kiên định lập trường, nâng cao ý thức bảo vệ chủ quyền

          Thanh niên Quân đội và thế hệ trẻ cần nắm vững chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

          Kiên định trước mọi âm mưu, luận điệu sai trái, không để bị lôi kéo, kích động.

          Tích cực tham gia tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chủ quyền biển đảo cho cộng đồng.

          + Sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo

          Đối với thanh niên Quân đội, cần luôn trong tư thế sẵn sàng nhận nhiệm vụ, bảo vệ vững chắc từng tấc đất, vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc.

          Thường xuyên huấn luyện, rèn luyện thể chất, nâng cao kỹ năng tác chiến để ứng phó với mọi tình huống.

          Chủ động nắm chắc tình hình, kiên quyết đấu tranh trước mọi hành động xâm phạm chủ quyền.

          + Ứng dụng khoa học – công nghệ trong bảo vệ biển đảo

          Thanh niên, đặc biệt là những người hoạt động trong lĩnh vực công nghệ, có thể đóng góp bằng cách nghiên cứu, phát triển các giải pháp công nghệ phục vụ giám sát, bảo vệ biển đảo.

          Phát huy sáng tạo trong việc chế tạo thiết bị không người lái, hệ thống quan trắc, truyền thông hiện đại để hỗ trợ lực lượng bảo vệ biển đảo.

          + Góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng biển, đảo

          Không chỉ bảo vệ biển đảo bằng quân sự, thanh niên còn có thể tham gia phát triển kinh tế biển bền vững, hỗ trợ ngư dân vươn khơi bám biển.

          Thanh niên tình nguyện có thể tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng, trường học, trạm y tế, góp phần nâng cao đời sống cho người dân tại các vùng đảo xa.

          + Đấu tranh với các thế lực thù địch trên mặt trận truyền thông

          Thanh niên Quân đội và thế hệ trẻ cần sử dụng mạng xã hội một cách thông minh, lan tỏa những thông tin chính thống về chủ quyền biển đảo.

          Kiên quyết phản bác những thông tin sai lệch, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch về tình hình Biển Đông.

          + Gương mẫu trong hành động, phát huy tinh thần yêu nước

          Mỗi đoàn viên, thanh niên cần thể hiện tinh thần yêu nước bằng hành động thiết thực, như tham gia các phong trào “Tuổi trẻ hướng về biển đảo”, “Nghĩa tình biên giới, hải đảo”.

          Phát huy tinh thần dấn thân, xung kích, sẵn sàng làm nhiệm vụ ở những nơi khó khăn nhất.

 

 

Cảm nhận về Chiến thắng lịch sử ngày 30 tháng 4 năm 1975 - Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và trách nhiệm của mình trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, quyết tâm “xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến, anh hùng”.

           Chiến thắng lịch sử ngày 30 tháng 4 năm 1975 - Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là một sự kiện mang tính bước ngoặt trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Sau hơn hai mươi năm kháng chiến chính nghĩa chống đế quốc Mỹ và tay sai, quân và dân ta đã làm nên đột phá lịch sử, hoàn thành sứ mệnh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Mốc son 30-4 là biểu tượng cho trí tuệ dân tộc và bài học sâu sắc về tinh thần đồng lòng, đồng sức trong sự nghiệp giành và giữ nước.

           Chiến dịch Hồ Chí Minh là trận quyết chiến cuối cùng đưa cuộc kháng chiến chống Mĩ, cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn. Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng là thành quả đấu tranh kiên trì, bền bỉ, mưu lược, dũng cảm của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta, là sự đóng góp to lớn của nhiều lực lượng, nhiều tổ chức, trong đó có tổ chức Trung ương Cục miền Nam. Đây không chỉ là một chiến thắng quân sự mà còn là chiến thắng của ý chí, lòng yêu nước và khát vọng hòa bình, độc lập của toàn thể nhân dân Việt Nam (Tô Thị Hạnh Nhân, 2020). Đại thắng mùa xuân năm ấy đã làm thất bại hoàn toàn cuộc chiến tranh xâm lược và ách thống trị thực dân mới của đế quốc Mỹ ở miền Nam, giải phóng hoàn toàn miền Nam, kết thúc vẻ vang cuộc chiến tranh cứu nước lâu dài nhất, khó khăn nhất và vĩ đại nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của nhân dân ta.

           Những ca khúc cách mạng bất hủ luôn gợi lên niềm tự hào và xúc động mỗi khi nhớ về ngày đại thắng. Ca khúc “Đất nước trọn niềm vui” của nhạc sĩ Hoàng Hà chính là một trong những bài hát tái hiện đầy đủ nhất không khí tưng bừng, rộn rã của ngày toàn thắng:

Ta đi trong muôn ánh sao vàng, rừng cờ tung bay!

Rộn ràng bao mê say những bước chân dồn về đây.

Sài Gòn ơi! Vững tin đã bao năm rồi một ngày vui giải phóng!

Ta nghe vang như tiếng Bác Hồ dậy từ non sông!

Rạo rực sao hôm nay, Bác vui với hội toàn dân.

           Dòng chảy cuộc sống hiện đại cuốn con người vào những bộn bề, lo toan thường nhật, nhưng cứ đến ngày 30/4, mỗi người dân Việt Nam lại bồi hồi nhớ về giây phút lịch sử của dân tộc - ngày đất nước thống nhất, non sông liền một dải. Chiến tranh đã lùi xa nửa thế kỷ, tiếng bom đạn, khói lửa chiến trường giờ chỉ còn trong những thước phim tư liệu. Thế nhưng, những đau thương, mất mát mà chiến tranh để lại vẫn in đậm trong tâm trí bao thế hệ người Việt. Nhắc lại những tháng năm bi hùng ấy không phải để khơi gợi lòng hận thù, mà để khắc ghi bài học lịch sử, hun đúc tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc và đặc biệt là truyền thống “uống nước nhớ nguồn”. Chúng ta đời đời ghi nhớ sự hy sinh to lớn của các thế hệ cha anh đã ngã xuống vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc.

           Chiến thắng 30 tháng 4 năm 1975 không chỉ là ngày giải phóng miền Nam mà còn là sự kiện đánh dấu bước ngoặt lịch sử, đưa cả nước bước vào một giai đoạn mới - giai đoạn xây dựng và phát triển đất nước, toàn dân chung sức tái thiết và phát triển quê hương. Trải qua những năm tháng chiến tranh gian khổ, nhân dân Việt Nam đã chịu đựng biết bao mất mát, hy sinh để giành lại độc lập, chủ quyền và thống nhất đất nước. Chính vì vậy, chiến thắng vĩ đại này là niềm tự hào không chỉ của thế hệ đi trước mà còn là động lực để các thế hệ sau tiếp tục cống hiến, xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến, anh hùng.

           Hiện nay, quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh trong xây dựng nhà nước với mục tiêu phát huy ngày càng đầy đủ quyền làm chủ của nhân dân, cần phải bảo đảm tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân. Mọi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đều xuất phát từ nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, được nhân dân tham gia ý kiến (Đào Thị Bích Hồng, 2024).

           Bước sang năm 2025, khi đất nước kỷ niệm tròn 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực. Chúng ta đã từng bước khẳng định vị thế trên trường quốc tế, hội nhập kinh tế sâu rộng và đạt được nhiều thành tựu to lớn về kinh tế, khoa học - công nghệ, giáo dục, văn hóa - xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội, đất nước cũng đối mặt với không ít thách thức, đòi hỏi mỗi công dân, đặc biệt là thế hệ trẻ, phải nỗ lực hơn nữa để tiếp nối truyền thống hào hùng của cha ông.

           Hội nhập quốc tế sâu rộng, vị thế quốc tế ngày càng được nâng cao, đến nay, Việt Nam đã thiết lập được nhiều quan hệ đối tác chiến lược về kinh tế; tích cực xây dựng Cộng đồng ASEAN 2015 và hoàn thiện thị trường trong nước đầy đủ hơn theo cam kết WTO. Đã có 71 quốc gia công nhận nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường, trong đó có các đối tác thương mại lớn của Việt Nam. Từ khi gia nhập WTO đến nay, Việt Nam đã ký kết 15 FTA khu vực và song phương và đang đàm phán 2 FTA với các đối tác khác. Các FTA mà Việt Nam tham gia có độ phủ rộng hầu hết các châu lục với gần 60 nền kinh tế có tổng GDP chiếm gần 90% GDP thế giới, trong đó có 15 nước thành viên G20 và 9/10 đối tác kinh tế-thương mại lớn nhất của Việt Nam thuộc 3 trung tâm kinh tế lớn nhất thế giới là Bắc Mỹ, Tây Âu và Đông Á. Do đó, việc tham gia và thực thi các FTA sẽ mang lại những cơ hội lớn cho Việt Nam, tác động tích cực tới phát triển kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, doanh nghiệp và sản phẩm... (Nguyễn Hồng Hải & Nguyễn Đề Thuỷ).

           Việt Nam cũng là thành viên chủ động, tích cực và có trách nhiệm cao trong các tổ chức quốc tế. Việt Nam đã tham gia vào Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), các tổ chức của Liên Hợp Quốc... đóng góp tích cực và đang trở thành nước có vị thế và vai trò ngày càng cao ở khu vực, được cộng đồng quốc tế tôn trọng. Bên cạnh đó, Việt Nam đã được tín nhiệm bầu vào các cơ quan quan trọng của Liên Hợp Quốc, như: Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ 2014-2016, Ủy ban Di sản Thế giới của UNESCO nhiệm kỳ 2013-2017, Hội đồng kinh tế-xã hội của Liên Hợp Quốc (ECOSOC) nhiệm kỳ 2016-2018 (Nguyễn Hồng Hải & Nguyễn Đề Thuỷ).

                 Bước vào kỷ nguyên mới, Việt Nam đang trên đà phát triển mạnh mẽ, hướng đến một quốc gia “giàu mạnh, văn minh, văn hiến, anh hùng”. Là một người giáo viên, tôi cảm thấy mình có trách nhiệm đặc biệt trong việc giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống hào hùng của dân tộc. Giáo dục không chỉ là truyền đạt kiến thức mà còn là truyền lửa, truyền cảm hứng và hun đúc tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho học sinh. Tôi luôn ý thức rằng, việc giảng dạy về những trang vàng của dân tộc không chỉ là nhiệm vụ mà còn là sứ mệnh thiêng liêng. Tôi muốn mỗi học sinh của mình hiểu rằng, để có được hòa bình hôm nay, bao thế hệ cha anh đã phải đánh đổi bằng máu, nước mắt và cả sinh mạng. Chính vì vậy, thế hệ trẻ hôm nay cần phải nỗ lực học tập, rèn luyện đạo đức, trau dồi tri thức để đưa Việt Nam ngày càng phát triển.

           Trong công cuộc hiện đại hóa, giáo viên không chỉ dạy chữ mà còn phải dạy người. Điều này càng quan trọng hơn khi đất nước bước vào kỷ nguyên công nghệ số, hội nhập sâu rộng với thế giới. Tôi luôn mong muốn học sinh của mình không chỉ giỏi kiến thức, mà còn biết yêu thương, sẻ chia, sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội. Bởi lẽ, một đất nước giàu mạnh không chỉ được đo lường bằng sự phát triển kinh tế, mà còn bởi nền văn minh, văn hóa và phẩm chất của con người. Nếu thế hệ trẻ hôm nay hiểu được những giá trị lịch sử, biết trân trọng quá khứ, họ sẽ có động lực vươn lên để xây dựng một Việt Nam hùng cường trong tương lai.

           Đối với giáo viên dạy nghề ở trường trung cấp, trách nhiệm càng lớn hơn khi phải đào tạo ra những lao động có tay nghề, có ý thức trách nhiệm và kỷ luật lao động. Những người thợ lành nghề chính là nền tảng vững chắc cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tôi luôn tâm niệm rằng, việc hướng dẫn học sinh không chỉ dừng lại ở kỹ năng nghề nghiệp mà còn phải truyền tải tinh thần tự tôn dân tộc, khát vọng vươn lên và ý chí phấn đấu trong công việc. Một quốc gia muốn giàu mạnh, trước hết phải có nguồn nhân lực chất lượng cao, có tay nghề và sáng tạo. Chính vì vậy, giáo viên dạy nghề phải không ngừng đổi mới phương pháp giảng dạy, tiếp cận những công nghệ mới nhất để học viên có thể thích nghi với thị trường lao động trong và ngoài nước. Không chỉ dạy nghề, chúng tôi còn mong muốn bồi dưỡng ở học sinh tinh thần trách nhiệm, lòng yêu nước và khát vọng cống hiến cho xã hội. Trong đó, từng cá nhân, thế hệ trẻ nói chung và từng giáo viên nói riêng cần nhận thức rõ trách nhiệm của mình trong việc góp phần xây dựng đất nước.

           Thế hệ trẻ ngày nay không còn phải cầm súng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, nhưng nhiệm vụ của họ không kém phần quan trọng: đó là góp sức vào công cuộc hiện đại hóa, công nghiệp hóa, làm giàu cho quê hương. Để làm được điều đó, mỗi người trẻ cần có ý thức học tập, rèn luyện đạo đức, nâng cao trình độ chuyên môn, trau dồi kỹ năng và luôn giữ vững tinh thần tự hào dân tộc. Những nỗ lực ấy sẽ góp phần xây dựng một nước Việt Nam phát triển bền vững, xứng đáng với những hy sinh của thế hệ đi trước. Tri thức là nền tảng của sự phát triển. Thế hệ trẻ cần không ngừng học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng, nắm bắt xu hướng phát triển công nghệ, khoa học để đóng góp cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Việc học không chỉ dừng lại trong nhà trường mà còn phải tự học, tự nghiên cứu để bắt kịp sự thay đổi của thế giới.

           Bác Hồ từng dạy: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Ngày nay, khi đất nước đã hòa bình, nhiệm vụ của mỗi người dân không chỉ là giữ nước mà còn phải làm cho nước mạnh, nước giàu. Bằng những hành động thiết thực, bằng sự nỗ lực học tập, lao động sáng tạo và ý thức trách nhiệm với cộng đồng, mỗi người Việt Nam sẽ góp phần đưa đất nước vươn lên, trở thành một quốc gia giàu mạnh, văn minh, văn hiến, anh hùng. Sự sáng tạo trong lao động chính là động lực giúp Việt Nam phát triển bền vững. Mỗi người trẻ cần không ngừng đổi mới tư duy, tự học tự thực hành (Lường Thị Phương, Nguyễn Đắc Dũng, & Trương Thị Thu Hạnh, 10/05/2021), nâng cao năng suất lao động, tìm ra những phương pháp làm việc hiệu quả hơn, góp phần thúc đẩy kinh tế đất nước ngày càng vững mạnh. Đó chính là cách thiết thực nhất để tri ân những người đã ngã xuống vì nền độc lập, tự do của dân tộc.

Bác Hồ nói chuyện với Đại đoàn Quân tiên phong 19/9/1954.

           Đất nước đang chuyển mình trong bối cảnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và đặc biệt là hội nhập quốc tế (Nguyễn Thị Thu Huyền, 2019). Trong bối cảnh hội nhập toàn cầu, giữ gìn bản sắc văn hóa là điều quan trọng. Thế hệ trẻ cần tự hào về lịch sử, truyền thống của dân tộc, chủ động bảo tồn và lan tỏa các giá trị văn hóa Việt Nam đến bạn bè quốc tế. Bên cạnh đó, phát triển bền vững không thể tách rời khỏi việc bảo vệ môi trường. Mỗi người trẻ cần nâng cao ý thức trong việc sử dụng tài nguyên hợp lý, giảm thiểu rác thải nhựa, bảo vệ nguồn nước và không khí, trồng cây xanh để giữ gìn một môi trường trong lành cho thế hệ mai sau.

           Tinh thần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau là một giá trị quý báu của dân tộc Việt Nam. Mỗi người trẻ cần tích cực tham gia các hoạt động tình nguyện, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, góp phần xây dựng một xã hội nhân văn, nghĩa tình. Lòng yêu nước cần được thể hiện qua những hành động thiết thực. Mỗi công dân trẻ cần ý thức bảo vệ Tổ quốc bằng cách tuân thủ pháp luật, đóng góp vào sự phát triển kinh tế, giữ gìn an ninh trật tự và luôn sẵn sàng bảo vệ chủ quyền quốc gia khi cần thiết.

           Mỗi người dân Việt Nam có quyền tự hào về truyền thống anh hùng và vẻ vang của dân tộc. Trong lịch sử, cha ông ta đã anh dũng kiên cường, khôn khéo, mềm dẻo để bảo vệ độc lập dân tộc và giữ vững chủ quyền quốc gia. Vì vậy, thế hệ chúng ta phải tiếp tục học tập, nhận thức rõ hơn những giá trị của tư tưởng chính trị truyền thống để phát huy sáng tạo trong điều kiện mới, quyết tâm xây dựng đất nước ổn định, đổi mới và phát triển bền vững, sánh vai với các nước trong khu vực và hội nhập quốc tế trong giai đoạn hiện nay (Vũ Thị Thu Quyên & Nguyễn Minh Hiếu, 2019).

           Hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, đòi hỏi chúng ta phải tiếp tục đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới toàn diện, đồng bộ; khơi dậy ý chí, sức mạnh toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam (Nguyễn Xuân Phúc, 2021). Chiến thắng 30/4/1975 là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam, là nguồn động lực to lớn để chúng ta vững tin trên con đường phát triển. Hướng về tương lai, mỗi người dân, mỗi thế hệ cần chung tay viết tiếp trang sử vẻ vang, xây dựng một Việt Nam hùng cường, sánh vai cùng bạn bè năm châu.

           Cao hơn nữa, mỗi người dân Việt Nam muốn lên tiếng với cả thế giới rằng: Chúng tôi yêu hòa bình, chúng tôi căm thù chiến tranh, bởi chiến tranh đã gây cho đất nước, con người Việt Nam quá nhiều sự mất mát, bất hạnh. Thông điệp yêu chuộng hòa bình của người Việt Nam mong muốn được chia sẻ với toàn thế giới. Mỗi người dân cần ý thức được vai trò của mình trong công cuộc xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh, hùng cường, đưa Việt Nam vươn lên tầm cao mới trên trường quốc tế. Chiến thắng 30/4/1975 là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam, là nguồn động lực to lớn để chúng ta vững tin trên con đường phát triển. Hướng về tương lai, mỗi người dân, mỗi thế hệ cần chung tay viết tiếp trang sử vẻ vang, xây dựng một Việt Nam hùng cường, sánh vai cùng bạn bè năm châu.

 

      TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

     - Chỉ đạo thực hiện: NGƯT.TS. Phan Hoàng Dũng, Chỉ huy trưởng – Hiệu trưởng

     - Duyệt nội dung: Trần Văn Năng, Chính trị viên – Phó Hiệu trưởng

     - Thực hiện:

                      + NCS. Phạm Thị Mỹ N

                      + ThS. Trần Trung Hiếu

           + Nguyễn Xuân Hoàng


(*) Xem thêm

Đã thêm vào giỏ hàng